Không tài sản thế chấp, chẳng phải làm quá nhiều loại giấy tờ thủ tục, hạn mức vay cũng ở mức chấp nhận được trong khi lãi suất không quá cao. Đó là những ưu điểm khiến gói vay qua lương được nhiều người chú ý nhưng để tiếp cận nó là điều chẳng dễ dàng gì.
Vì sao khó tiếp cận?
Chị Vân, 45 tuổi, là mẹ đơn thân, làm lao công bán thời gian tại một công ty công nghệ tại TpHCM. Công việc không quá nặng nhọc hay tốn nhiều thời gian, chỉ mất khoảng hai giờ đồng hồ lúc chiều muộn và một tiếng trước giờ vào làm của nhân viên. Thời gian còn lại, do không bắt buộc phải ở lại công ty nên chị muốn buôn bán thêm gì đó để cải thiện cuộc sống. Nhưng chị cần vốn, ít nhất cũng 20 - 30 triệu, để cùng con gái vừa tròn 20 tuổi mở một quầy ăn vặt hay một quán cơm.
Một vài người trong công ty khuyên chị đến ngân hàng để vay theo bảng lương. Đầu tiên, đây là hình thức vay tín chấp nên không cần có tài sản thế chấp như nhà đất hay xe hơi, điều mà người đi thuê trọ như chị không có. Tiếp đến cũng không phải làm thủ tục gì nhiều vì đã có lịch sử nhận lương, rút tiền từ ngân hàng. Hơn nữa, chị chưa từng vay nợ thì chắc không có nợ xấu. Còn các vấn đề giấy tờ cá nhân khác thì đâu cũng như đâu thôi. Hạn mức khoản vay, như thông tin công bố thì lên đến 50 triệu đồng, gấp 10-12 lần lương hàng tháng của chị. Cuối cùng là lãi suất, dù không có thông tin cụ thể nhưng đâu đó cũng chỉ 20%/năm trong khi thời hạn vay tối đa là 5 năm. Nếu đúng, với khoản vay 50 triệu, mỗi tháng chị chỉ cần trả trên dưới 1,5 triệu đồng, chị tin là trả được.
Tuy nhiên, khi đến ngân hàng, chị bị từ chối vay. Lý do là bởi chị không có hợp đồng lao động chính thức nên dù có nhận lương hàng tháng qua tài khoản hay không có nợ xấu chị vẫn là lao động tự do, không đủ điều kiện để vay gói vay này.
Những giải pháp thay thế khác
Dù đã bị ngân hàng từ chối, chị vẫn nuôi hy vọng vay được tiền nhưng không muốn vay bằng mọi giá. Vì chị sợ, sợ vướng vào tín dụng đen để rồi cuộc sống của mình và con gái rơi vào bế tắc. Đồng nghiệp của chị còn nói chỉ cần hỏi vay, lập tức chị sẽ nhận được tiền nhưng vay 10 triệu thì chỉ nhận được 7 hay 8 triệu thôi, số còn lại gọi là lãi suất trả trước. Rồi còn đủ thứ phí ẩn, lãi ẩn không biết đâu mà lường nữa. Còn nếu không trả đúng hạn thì mọi chuyện còn khủng khiếp hơn nữa. Vì thế, dù thấy những lời quảng cáo cho vay không cần gặp mặt, vay trong nháy ở khắp nơi nhưng chị vẫn không dám vay.
Vay ở các công ty tài chính cũng là một giải pháp. Thủ tục vay ở đây có phần giản tiện hơn ngân hàng nên dù không có hợp đồng lao động chính thức vẫn có cơ hội vay được. Tuy nhiên, hạn mức vay có thể thấp hơn, tối đa cũng chỉ 20 triệu, may chăng thì đủ vốn mở một quán ăn nhỏ. Nhưng lãi vay ở đây thì cao hơn ngân hàng, dao động trong khoảng từ 35% - 50%/năm, tuỳ từng công ty, từng gói vay hay điều kiện vay mà chị có thể đáp ứng.
Nếu không vay các công ty tài chính, vẫn còn một giải pháp vay khác là vay cầm đồ. Cách vay này thì bình dân hơn khi không yêu cầu chứng minh thu nhập, nợ xấu hay hợp đồng lao động… chỉ cần có tài sản chính chủ, hợp pháp để cầm cố. Loại tài sản phổ thông nhất là xe máy, thứ mà chị và con gái đều có. Nhưng các cửa hàng cầm đồ sẽ không giữ lại xe mà chỉ giữ đăng ký xe, tạo điều kiện cho khách vừa vay được tiền, vừa giữ được phương tiện để đi lại. Hạn mức khoản vay thì tuỳ thuộc vào giá trị chiếc xe, tối đa có thể lên đến 30 - 40 triệu đồng. Lãi suất thì cũng tương đương lãi suất công ty tài chính nhưng thời gian vay thì ngắn hơn, thường là 6 đến 12 tháng, tối đa 24 tháng. Thời gian vay ngắn đồng nghĩa với số tiền phải trả hàng tháng cao nhưng không phải trả nợ quá lâu, cũng có lợi cho người vay. Thách thức lớn nhất khi vay cầm đồ là phải chọn đúng cửa hàng uy tín mà vay. Hiện nay, F88 được đánh giá là chuỗi cửa hàng cầm đồ lớn và uy tín, là “thằng có tóc” mà người vay muốn “nắm” hơn là những cửa hàng nhỏ lẻ, tự phát theo kiểu “trọc đầu”.
Nhiều người cho rằng thị trường tài chính Việt Nam đã phát triển nên sẽ “không ai bị bỏ lại phía sau”, vẫn sẽ có những đơn vị cho vay sẵn sàng hỗ trợ khách hàng. Nhưng các đơn vị này cũng liên tục đưa ra lời khuyên Chỉ vay khi thực sự cần bởi không ai muốn khách hàng của mình rơi vào vòng xoáy nợ nần cả. Vấn đề quan trọng vẫn là việc người vay cần tỉnh táo lựa chọn hình thức vay cho phù hợp.