Công nghệ

NGƯỜI ĐƯA TIN 24H Ngày 05/8/2024

“Chương trình Người đưa tin 24H phát sóng lúc 06h30 trên THVL1, THVL2; 11h15 trên THVL1; 18h30 trên THVL2 không chỉ mang đến những thông tin về các vấn đề kinh tế, giáo dục, văn hóa, y tế... mà còn cập nhật nhiều thông tin hữu ích trong đời sống, xã hội thường nhật.”

Đưa ngành hàng khoai mì phát triển bền vững

Thanh Tân - Minh Phú

Tây Ninh là tỉnh có diện tích trồng khoai mì lớn thứ hai cả nước (sau tỉnh Gia Lai), với trên 61.000 ha và năng suất bình quân đạt 33,2 tấn/ha, cao nhất cả nước. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, bệnh khảm lá được phát hiện từ năm 2017 tại Tây Ninh. Trước thực trạng này, từ năm 2019, tỉnh Tây Ninh đã phối hợp với các trung tâm nghiên cứu, khảo sát giống khoai mì kháng bệnh khảm lá, tăng năng suất và hàm lượng tinh bột.

Đến nay, diện tích trồng giống khoai mì kháng khảm lá tại Tây Ninh là hơn 4.500 ha; trong đó giống HN1 là hơn 4.400 ha.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để phát triển bền vững ngành hàng khoai mì Việt Nam trong thời gian tới, thì cần sự chung tay của các ngành, các cấp, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và hiệp hội khoai mì cùng nhau phối hợp phát triển giống khoai mì sạch bệnh để cung cấp cho người dân, góp phần tăng năng suất, hiệu quả canh tác trong tương lai.

Ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh

“Bệnh khảm làm giảm năng suất khoai mì, thì chúng ta đã có hướng, đường hướng, một mặt chọn ra giống kháng khảm hoàn toàn, hai là chọn ra những giống khảm nhẹ, chúng ta tác động vào kỹ thuật, phân bón, tăng mật độ cây để chúng ta vẫn đảm bảo năng suất.”

Ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật

“Bộ cũng đã chủ trương đưa ra 2 giải pháp chính. Một là chúng ta sẽ nhân các giống kháng khảm lá sắn này ở các nhà màng. Và hiện nay triển khai được 22 nhà màng từ Đông Nam bộ đến Duyên hải Nam Trung bộ cũng như Bắc bộ để làm sao đáp ứng đầy đủ các nhu cầu sản xuất, nhân giống kháng bệnh. Bên cạnh đó các nhà màng cũng sẽ tiếp tục nhân ra các giống sạch bệnh…”

Để định vị rõ ràng vị trí của cây khoai mì, mới đây, lần đầu tiên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Đề án phát triển bền vững ngành hàng khoai mì đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, diện tích trồng khoai mì được duy trì từ 480.000 – 510.000 ha, đảm bảo diện tích sử dụng giống chất lượng chiếm 40-50%, cho sản lượng củ tươi đạt 11,5-12,5 triệu tấn/năm; tổng công suất các nhà máy chế biến đạt 12-14,2 triệu tấn củ tươi/năm; kim ngạch xuất khẩu thu về đạt 1,8 -2 tỷ USD/năm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân./.

Dạy nghề, tạo cơ hội việc làm cho người lao động ở huyện đảo Lý Sơn

Phạm Cường - Thành Nhựt

Đào tạo nghề, giải quyết việc làm là giải pháp tạo sinh kế bền vững cho lao động nông thôn, nhất là người nghèo. Đây cũng là “chìa khóa” để các địa phương ở Quảng Ngãi mở nút thắt trong mục tiêu giảm nghèo bền vững, giúp người dân nâng cao mức sống, thu nhập.

Sau khi được đào tạo “Nghiệp vụ du lịch”, vợ chồng anh Nguyễn Công Vũ, thôn Bắc An Bình, đảo Bé, huyện Lý Sơn đã đầu tư thêm cơ sở đón, phục vụ khách du lịch. Vợ chồng anh cũng đã mạnh dạn vay vốn mua xe điện chở khách du lịch tham quan và đảm nhận việc hướng dẫn cho du khách.  

Anh Nguyễn Công Vũ - Huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi

“Mình được đào tạo nghiệp vụ du lịch, bà con học để biết cách ứng xử với du khách.”

Thôn Bắc An Bình, huyện Lý Sơn có hơn 100 hộ làm nghề biển và trồng hành, tỏi. Những năm gần đây, nghề đi biển gặp nhiều khó khăn, việc trồng tỏi cũng bấp bênh do không chủ động được nguồn nước tưới, nhiều hộ dân trên đảo đã chuyển qua kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch.

Năm 2023, huyện phối hợp mở lớp đào tạo “Nghiệp vụ du lịch” cho các hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo trên đảo. Qua lớp học, người dân được trang bị kiến thức, kỹ năng, cách thức làm du lịch, tạo việc làm bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương. 

Lý Sơn hiện có 6.170 hộ, trong đó có 8.870 người trong độ tuổi lao động, phần lớn lao động tại địa phương chưa có việc làm ổn định. Từ năm 2023 đến nay, huyện đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm, các doanh nghiệp tổ chức tuyên truyền, định hướng nghề, giới thiệu việc làm cho người lao động gắn với lợi thế của địa phương, nhu cầu của người lao động và doanh nghiệp.

Lý Sơn cũng phối hợp đưa người lao động đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài, góp phần giải quyết nhu cầu lao động, giúp người dân có nguồn thu nhập cao.

Ông Võ Duy Yên - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ngãi

“Trung tâm đã hỗ trợ cho lao động huyệ Lý Sơn tham gia học ngoại ngữ, kỹ năng nghề để cho lao động làm viễ tại thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản.”

Để công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm hiệu quả, huyện Lý Sơn đã phối hợp với các đơn vị chức năng bồi dưỡng nâng cao năng lực tuyên truyền, tư vấn chính sách, pháp luật về lao động, đào tạo nghề cho đội ngũ tuyên truyền viên, tư vấn viên ở cơ sở; Các giải pháp được thực hiện linh hoạt, đồng bộ đang góp phần giúp người lao động ở huyện đảo có việc làm ổn định, vươn lên thoát nghèo./.

Thám hiểm lòng hố sụt trong Công viên địa chất Non Nước

Văn Mạnh

Thời gian gần đây, hố sụt Canh Cảo, Công viên địa chất toàn cầu Non Nước, tỉnh Cao Bằng là điểm đến mới được những người yêu thích thám hiểm quan tâm.

Hố sụt Canh Cảo sâu 150m, được hình thành từ sự sụp đổ trần của một hang động lớn. Theo Trung tâm văn hóa huyện Hòa An, hố sụt mới được khám phá và đưa vào khai thác du lịch mạo hiểm năm 2023, sau hơn hàng triệu năm nằm ngủ yên trong rừng sâu của Cao Bằng.

Hố sụt Canh Cảo là khu vực còn hoang sơ. Đến đây, du khách có thể thiết lập hệ thống dây neo an toàn và thả dây để xuống thám hiểm theo đoàn. Mỗi thành viên trong đoàn đều phải mang thiết bị chuyên dụng gồm: nón bảo hiểm, đai thám hiểm, thiết bị đi xuống và đi lên trên dây cùng các loại móc khóa an toàn để đảm bảo cho việc đu dây xuống hố.

Khi xuống tới nơi, du khách sẽ choáng ngợp trước hệ thống hang vòm lớn trong lòng đất, nhiều ngách dẫn đến những lối ra khác nhau. Đáy hố sụt cũng là một hệ sinh thái rừng nguyên sinh với nhiều loại cây như lạc vào thời tiền sử. Hố sụt thuộc một phần trong hệ thống núi đá vôi của Công viên địa chất, trong lòng hố có nhiều hang vòm, trần đá vôi và các cột thạch nhũ.

Ngoài hệ sinh thái rừng nguyên sinh và hang dưới đáy hố sụt,  trải nghiệm đu dây từ trên đỉnh xuống cũng như lúc lơ lửng trên dây giữa hố khiến du khách có những trải nghiệm khó quên.

Đặc sắc làng nghề gốm Phù Lãng

Truyền Hình Thông Tấn

Làng nghề gốm Phù Lãng nổi tiếng không chỉ ở Bắc Ninh mà còn trên cả nước. Trước những khó khăn của làng nghề, các chuyên gia Nhật Bản đã hỗ trợ dự án đào tạo, phát triển nghề gốm tại đây nhằm tìm hướng xuất khẩu và góp phần tạo sản phẩm du lịch độc đáo. Đây là sẽ là điểm đến thu hút du khách trong tương lai.

Sản phẩm gốm sứ tinh tế có kích thước nhỏ hướng tới người tiêu dùng trong nước và quốc tế… Những sản phẩm mới này là kết quả của gần 3 năm các chuyên gia Gốm đến từ Nhật Bản hỗ trợ đào tạo và phát triển nghề gốm Phù Lãng với tổng nguồn vốn gần 17 tỷ đồng.

Ông Tsuchimoto Amane – Cán bộ Phụ trách Dự án của JICA (Nhật Bản) (dịch)

“Làng Phù Lãng là làng có lịch sử rất lâu dài về nghề làm gốm, bên phía Nhật Bản cũng có nghề làm gốm lâu năm và rất đặc sắc, vì vậy để kết nối 2 làng với nhau và kết nối kỹ thuật công nghệ cũng như các nét đặc sắc của văn hóa 2 nước, chúng tôi đã lựa chọn thực hiện dự án này.”

Là một làng nghề gốm cổ ở Việt Nam có lịch sử hơn 700 năm, Phù Lãng được biết đến với những sản phẩm gốm to, nặng như chum vại, tiểu quách, chậu trồng hoa, cây cảnh. Làng nghề hiện vẫn duy trì các sản phẩm gốm truyền thống bằng lò đốt củi, song kích cỡ lớn và giá thành rẻ. Vì vậy, các học viên sau khi tham gia dự án hỗ trợ của Nhật Bản đã đa dạng hóa sản phẩm gốm với kích cỡ nhỏ, có công năng và thẩm mỹ cao hơn. Đặc biệt, các nghệ nhân, chuyên gia của Nhật Bản đã góp phần truyền được tình yêu và niềm tin vào thế hệ làm gốm trẻ ở địa phương này.

Anh Phạm Văn Tuấn - Làng Phù Lãng, tỉnh Bắc Ninh

“Mình muốn sử dụng cái kỹ thuật, các bài học của thầy để áp dụng vào công việc của mình hiện tại để nâng cao cái sản phẩm của mình tạo ra cho mình những sản phẩm riêng.”

Anh Bùi Văn Huân – Làng Phù Lãng, tỉnh Bắc Ninh

“Cái mục tiêu của cuộc đời mình là tạo ra sản phẩm thủ công, và mang tinh thần việt. Hy vọng trong tương lai mình mang đc giá trị trong văn hóa tinh thần của người Việt vào trong từng sản phẩm.”

Trong khi hỗ trợ đào tạo các học viên của dự án, các chuyên gia đến từ Nhật Bản vẫn giữ nguyên tính thủ công, màu men tự nhiên nên càng làm tăng giá trị của từng sản phẩm.

Ông Onimaru Yusuke - Nghệ nhân gốm Nhật Bản

“Điều khác biệt giữa lò nung gốm thủ công của Nhật Bản và Việt Nam đầu tiên là củi. Điều đó sẽ tạo ra sự khác biệt khi nung gốm, ví dụ như lượng khói đốt cũng sẽ khiến sản phẩm khác nhau. Ở Nhật Bản, các sản phẩm gốm cổ của Việt Nam rất được ưa chuộng. Vì thế, khi sang Việt Nam, tôi và các học viên đã tận dụng những họa tiết độc đáo của Việt Nam vào sản phẩm và tạo nên giá trị riêng có của gốm Việt Nam.”

Ông Nguyễn Bá Quân – Phó Chủ tịch UBND thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh

“Tỉnh Uỷ, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đã quan tâm đưa dự án phát triển làng nghề gốm trở thành làng nghề Ocop gắn với du lịch. Thì hiện nay chúng tôi cũng đang được triển khai, phấn đấu đến cuối năm 2024 thì làng gốm Phù Lãng sẽ được công nhận.”

Trước đây, những món đồ gốm ở Phù Lãng quá to, tốn nhiều nguyên liệu mà khách du lịch cũng không thể mua và mang theo những món đồ cồng kềnh như vậy. Việc tạo ra những đồ gốm nhỏ gọn hơn, tinh xảo hơn mang đến nhiều triển vọng đưa gốm Phù Lãng ra thế giới và phát triển du lịch tại làng nghề này./.

Cùng chuyên mục

Top 5 tai nghe không dây chống ồn tốt nhất 2022

Top 6 smartphone chống nước tốt nhất 2022

Top 5 máy tính xách tay tốt nhất cho trẻ em 2022

Giá xăng cao chưa từng thấy, xô đổ mọi kỷ lục: Chọn ngay 5 mẫu xe tiết kiệm nhiên liệu nhất tại Việt Nam

Mách bạn cách khắc phục ô tô xả khói đen

Muốn bán iPhone, nhớ thực hiện 9 điều sau đây để đảm bảo dữ liệu của bạn được an toàn

Hot mom Hằng Túi chính thức được sở hữu siêu xe gần 4 tỷ sau thời gian dài chờ đợi

4 điện thoại di động phù hợp với cha mẹ vào năm 2022

MetaHub - Định hướng tương lai với sự hợp tác AI và DePIN trong hệ sinh thái Web3

Trải nghiệm Galaxy A55 và A35 5G: Cải tiến thiết kế và hiệu năng ấn tượng cùng bảo mật toàn diện