Kinh doanh

Mỹ khẳng định không có đối tác lớn nào thao túng tiền tệ trong năm 2021

Việt Nam và Đài Loan, do không còn đáp ứng cả ba tiêu chí về thao túng tiền tệ nên phía Mỹ sẽ đưa trở lại danh sách giám sát.

Mới đây, Bộ Tài chính Mỹ đã ban hành Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ” trong đó kết luận không có đối tác lớn nào của Mỹ thao túng tiền tệ trong năm 2021.

Đồng thời, Mỹ tiếp tục đưa 12 nền kinh tế vào danh sách giám sát trên cơ sở ba tiêu chí về thặng dư thương mại song phương với Mỹ, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp thị trường ngoại tệ một chiều, kéo dài.

Danh sách các quốc gia được kể đến bao gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Italy, Ấn Độ, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Mexico, Việt Nam và Đài Loan.

Trong đó, Thuỵ Sĩ là nền kinh tế duy nhất đáp ứng cả ba tiêu chí và Bộ Tài chính Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện tiếp xúc nâng cao với Ngân hàng trung ương Thuỵ Sĩ.

Trong khi đó, Việt Nam và Đài Loan, do không còn đáp ứng cả ba tiêu chí, nên phía Mỹ sẽ đưa trở lại danh sách giám sát.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong giai đoạn từ tháng 1-12/2021, Việt Nam đáp ứng tiêu chí được BTC Hoa Kỳ đưa ra là thặng dư thương mại hàng hoá và dịch vụ với Mỹ ở mức 90 tỷ USD (ngưỡng 15 tỷ USD).

Từ đầu năm 2021, Bộ Tài chính Mỹ đã tiến hành tiếp xúc nâng cao song phương với Việt Nam và đạt được thỏa thuận chung vào tháng 7/2021 nhằm giải quyết các quan ngại của phía Mỹ về vấn đề tiền tệ, tỷ giá.

Tại Báo cáo này, phía Mỹ tiếp tục ghi nhận những bước tiến của Việt Nam. Đồng thời, tại chuyến thăm, làm việc của Bộ Tài Chính Mỹ với Việt Nam ngày 5/4/2022, phía Mỹ đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thời gian qua đã thể hiện sự nghiêm túc của NHNN trong việc giải quyết các quan ngại của phía Mỹ và duy trì được ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, kinh tế vĩ mô trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức.

NHNN cho biết sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với các Bộ, ngành để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà phía Mỹ quan tâm trên tinh thần hợp tác, hai bên cùng có lợi, xây dựng quan hệ thương mại hài hoà, bền vững.

Đồng thời, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế; điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ.

(Theo: http://vietnambiz.vn/my-khang-dinh-khong-co-doi-tac-lon-nao-thao-tung-tien-te-trong-nam-2021-202261311927340.htm)
Cùng chuyên mục

Samsung ra mắt loạt sản phẩm TV AI 2024 – Khai mở kỷ nguyên AI TV

Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không được đầu tư kinh doanh bất động sản

Ghế tổng thống của ông Biden lung lay nếu Fed đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái

VinFast chia tay 4 Giám đốc cấp cao trước ngày giao xe điện cho khách hàng quốc tế

Khối công nghệ dẫn dắt, lợi nhuận ròng của FPT tăng gần 34% trong 5 tháng

Dầu khí Nam Sông Hậu (PSH) chốt ngày trả cổ tức 750 đồng/cp, giảm lãi suất lô trái phiếu 400 tỷ

Góc nhìn chuyên gia: Chuyển động quỹ ETF trong kỳ cơ cấu quý II sẽ là yếu tố hỗ trợ tích cực cho đà hồi phục của thị trường

Hạt nhựa mật độ thấp của Việt Nam không bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ở Philippines

Thị trường bảo hiểm nhân thọ 'giảm nhiệt' trong 4 tháng đầu năm

Cập nhật tiến độ loạt dự án giao thông trọng điểm đang triển khai