Hải Quang
Làng Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội từ lâu đã nổi tiếng với nghề dát quỳ vàng, bạc trên đồ gỗ, trở thành một trong những làng nghề truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.
Nghề dát vàng ở đây không chỉ đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ mà còn yêu cầu kỹ thuật cao, trải qua nhiều công đoạn phức tạp. Ghi nhận của NĐT 24H từ làng nghề truyền thống độc đáo này.
Gỗ mộc sau khi được tuyển chọn sẽ phải trải qua quá trình phơi nắng trong nhiều ngày để đảm bảo khô hoàn toàn, tránh tình trạng cong vênh hay nứt nẻ về sau. Sau đó, người thợ sẽ thực hiện công đoạn sơn lót, hay còn gọi là làm vóc, bằng sơn ta – một loại sơn truyền thống có nguồn gốc từ Phú Thọ.
Ông Nguyễn Văn Hiệp – Xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội
“Bước đầu tiên để sơn lót lên sản phẩm là chuẩn bị cốt gỗ mộc, ví dụ như ban thờ hoặc các đài nến. Tiếp theo, thợ dùng khò lửa để đốt cháy bớt lông gỗ, sau đó trộn đất phù sa với sơn sống để quét lót các vết nứt và tom gỗ khoảng hai lượt. Đến lượt sau, không cần dùng đất phù sa nữa mà thay bằng sơn thí. Sơn thí sẽ được quét khoảng bốn đến năm lượt, tùy theo mức độ nhẵn của sản phẩm. Tiếp tục, mình sẽ quét thêm khoảng bốn đến năm lượt sơn then để hoàn thiện phần sơn lót.”
Quá trình sơn đòi hỏi sự kiên nhẫn và kỹ thuật cao, bởi nếu sơn không đều hoặc không được làm nhẵn đúng cách, khi dát vàng sẽ không bám chắc và không đạt độ hoàn hảo.
Khi dát vàng, người thợ dùng chổi thép tóc chuyên dụng, nhẹ nhàng áp từng lá vàng lên bề mặt, lau và miết thật khéo để vàng bám chắc vào các hoa văn chạm trổ tinh xảo.
Ông Nguyễn Văn Hiệp – Xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội
“Sản phẩm dát vàng truyền thống Kiêu Kỵ, khi hoàn thiện, sẽ có bề mặt nhẵn phẳng và đạt độ sáng nhất định. Bên cạnh đó, chất lượng vàng cũng quyết định đến màu sắc sản phẩm – vàng có tuổi cao sẽ có màu sắc khác biệt so với vàng tuổi thấp hơn. Chỉ cần nhìn màu vàng mình biết.”
Một số sản phẩm đặc biệt có thể được vẽ thêm hoa văn bằng sơn truyền thống hoặc chạm trổ thêm chi tiết tùy theo yêu cầu của khách hàng. Những sản phẩm dát vàng chất lượng cao có độ bền lên đến hàng chục năm nếu được bảo quản đúng cách. Mỗi sản phẩm dát vàng là kết tinh của sự tài hoa, khéo léo và lòng yêu nghề của những người thợ Kiêu Kỵ. Nhờ sự công phu trong từng công đoạn, sản phẩm dát vàng của làng nghề luôn mang đến vẻ đẹp sang trọng, bền vững theo thời gian, khẳng định vị thế của một nghề truyền thống lâu đời của đất Thăng Long./.
Chương trình Người đưa tin 24H phát sóng lúc 06h30 trên THVL1, THVL2; 11h15 trên THVL1; 18h30 trên THVL2.