Vũ Bình
Những ngày qua, làng quất Tứ Liên (quận Tây Hồ, TP. Hà Nội) bước vào vụ mới. Đây cũng là thời điểm những người thợ “tạo dáng” cho quất cảnh tất bật với công việc, kiếm tiền triệu mỗi ngày nhờ vào đôi bàn tay khéo léo.
Tháng 2 Âm lịch khi mưa xuân lất phất và tiết trời nồm ẩm tạo điều kiện thuận lợi để cây trồng phát triển, làng quất Tứ Liên (quận Tây Hồ) lại bước vào vụ mới, chăm sóc cây non, tạo dáng chuẩn bị cho vụ Tết năm sau. Những người thợ lành nghề miệt mài uốn nắn, buộc dây thép định hình thế cây. Công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ này mang lại thu nhập cho mỗi người thợ từ 800.000 đến 1.200.000 đồng/ngày.
Chị Đặng Thị Hậu – Thợ uốn quất cảnh
“Như mọi năm, tính theo cây, cây to thì to tiền, cây nhỏ thì nhỏ tiền, chứ không tính ngày công bao nhiêu cả. Ví dụ là cây chum to 50 lít, chum 100 lít thì mỗi ngày một người có thể bẻ được đến chục cây đấy. Mỗi cây là 100 nghìn một cây.”
Anh Lý Văn Giang – Thợ uốn quất cảnh
“Cái nghề này, nói chung mình làm theo thời vụ. Mức thu nhập này phụ thuộc theo đầu cây mình làm. Có khả năng ngày thì được 15 – 20 cây, cây thì khoảng 50 – 70 nghìn/cây. Mình làm theo sản phẩm, làm được nhiều ăn nhiều, dao động từ khoảng 800.000 – 1.200.000 đồng.”
Nghề uốn quất cảnh không chỉ đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ mà còn cần con mắt thẩm mỹ, tinh tế. Người thợ phải am hiểu đặc tính sinh trưởng của cây để tránh làm gãy cành, ảnh hưởng đến dáng cây. Để tạo ra một chậu quất đẹp, họ kết hợp nhiều kỹ thuật như: uốn dây, vặn nhánh, cắt tỉa sao cho hài hòa, cân đối. Những người thợ với đôi bàn tay khéo léo và tâm huyết đã biến từng gốc quất thành tác phẩm nghệ thuật, qua đó giúp làng nghề quất cảnh Tứ Liên giữ vững thương hiệu nhờ chất lượng và sự sáng tạo. Mỗi năm, hàng ngàn chậu quất của làng Tứ Liên được bán khắp Hà Nội và các tỉnh, thành khác trên cả nước./.
Chương trình Người đưa tin 24H phát sóng lúc 06h30 trên THVL1, THVL2; 11h15 trên THVL1; 18h30 trên THVL2.