Nhật Linh – Diễm Hường – Nhã Chân
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tiếp nhận 4 cổ vật, cũng là kỷ vật của vua Hàm Nghi do 3 hậu duệ của nhà vua tặng lại cho Huế. 4 cổ vật gồm: 1 khay gỗ được khảm xà cừ tinh xảo, 1 bộ sách bằng chữ Hán, 1 đôi tiềm bằng sứ và đặc biệt là 1 đôi đũa làm từ ngà hải mã.
Đôi đũa làm từ ngà hải mã này do ông Đặng Văn Luyện và ông Đặng Văn Giáp (hậu duệ đời thứ 4 của vua Hàm Nghi) tặng cho Huế. Đáng chú ý, đôi đũa làm từ ngà hải mã được cho là vua Hàm Nghi đã sử dụng khi vua rời Kinh thành Huế lên Tân Sở (Quảng Trị) để phát chiếu Cần Vương chống Pháp. Nhà vua đã sử dụng đôi đũa này trong những bữa ăn hằng ngày ở vùng rừng núi Tân Sở. Thân đũa có màu trắng ngà, một đầu bịt bạc được chạm khắc hoa văn tinh xảo. Đôi đũa được cho là có khả năng phát hiện chất độc trong thức ăn nhờ sự biến đổi màu sắc.
Ngoài đôi đũa trên, 3 cổ vật còn lại cũng hết sức giá trị. Đầu tiên là chiếc khay bằng gỗ có chiều dài hơn 31cm, rộng hơn 18cm và cao 10cm. Đây là khay gỗ được vua sử dụng để đựng sách. Tiếp theo là bộ sách bằng chữ Hán bao gồm ba cuốn sách là Ngự chế canh chức đồ (2 chương), Đan đồ huyện chí (25 chương) và Tăng đính thi kinh thể chí diễn nghĩa (5 chương). Bộ sách này là một trong những số ít vật dụng được vua đem theo bên người khi bị Pháp bắt đưa lên tàu từ Huế đi đày ở /an-giê-ri/Algérie. Hai cổ vật nói trên được cô A-man-đi-nê đa-bat (hậu duệ đời thứ 5 của nhà vua) tặng lại cho Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế. Cổ vật còn lại gồm đôi tiềm bằng sứ.
Ông Hoàng Việt Trung (Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) cho biết, những năm gần đây, có 19 cổ vật liên quan đến triều Nguyễn ở nước ngoài đã được các tổ chức, cá nhân bằng nhiều cách đưa về Việt Nam hợp pháp rồi hiến tặng lại cho Huế.
Chương trình Người đưa tin 24H phát sóng lúc 06h30 trên THVL1, THVL2; 11h15 trên THVL1; 18h30 trên THVL2.